Cầm chai thuốc tắm dạng tinh dầu trên tay, Lý Láo Lở, Giám đốc của SAPANAPRO không giấu nổi niềm tự hào. Ý tưởng của chàng trai sinh năm 1982 đã thành công và quan trọng hơn là mục tiêu để dân bản trở thành cổ đông đã thành hiện thực. Còn với người Dao xã Tả Phìn hẳn là vui mừng lắm khi bí quyết gia truyền bao năm “ngủ yên” nay đã đem lại nguồn thu ổn định.
Anh Lý Quẩy Siệu, thôn Sín Chải, Tả Phìn (SaPa) đang đập lúa trên nương, đây là thời điểm bà con vùng cao SaPa thu hoạch rộ vụ lúa mùa. Còn 2 đứa con lớn của Quẩy Siệu đang hái lá thuốc ở khu rừng gần nhà về bán cho công ty thuốc tắm mà anh góp cổ phần. Ít ai nghĩ rằng một nông dân như Quẩy Siệu cũng là cổ đông của một doanh nghiệp cổ phần thuộc hàng đầu của huyện SaPa.
Cổ phần không phải là tiền mặt
Điều này có vẻ lạ đối với hầu hết doanh nghiệp cần vốn để duy trì hoạt động, nhất là trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Thế nhưng lại là dễ hiểu ở thôn Sín Chải, xã Tả Phìn khi tất cả những ai đã từng đóng góp dù là sức lao động, hiến đất hay một viên gạch nhỏ cũng được quy ra cổ phần thuộc sở hữu của chính họ. Công ty Cổ phần Kinh doanh các sản phẩm bản địa (SAPANAPRO) do Lý Láo Lở, người dân tộc Dao trong thôn thành lập đã áp dụng chính sách góp cổ phần không tiền mặt khiến nhiều người dân trong thôn có cơ hội trở thành cổ đông. Công ty chuyên kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến tắm lá thuốc của người Dao đỏ với mục tiêu đem bài thuốc tắm bí truyền của người Dao phục vụ người tiêu dùng.
Gia đình anh Lý Quẩy Siệu hiện có số cổ phần trị giá 10 triệu đồng tại SAPANAPRO. Số tiền này là do gia đình anh hiến một phần đất để làm mặt bằng xây dựng trụ sở công ty. Cuối mỗi năm anh sẽ được chia lợi tức từ cổ phần. Dù số tiền không lớn và phụ thuộc vào lợi nhuận của doanh nghiệp nhưng với đồng bào Dao tại thôn Sín Chải, đó thực sự là nguồn thu ổn định. Ngoài ra, vợ con và cả Quẩy Siệu hằng ngày lên rừng hái lá thuốc bán cho công ty với giá 6.000 đồng/kg, mỗi ngày cũng thu được từ 200.000 – 300.000 đồng.
Một cổ đông khác của SAPANAPRO là Lý Quẩy Phin lại làm việc tại công ty. Đến nay, anh đang sở hữu số cổ phần trị giá 13 triệu đồng. Số cổ phần này cũng không phải do Quẩy Phin góp vốn từ ban đầu mà khi xây dựng trụ sở doanh nghiệp, anh đã góp ngày công san gạt mặt bằng, một phần đất và một số vật dụng khác. Từ số cổ phần này, mỗi năm công ty trả lợi tức cho Quẩy Phin 3 triệu đồng. Lợi tức 23%/năm, Quẩy Phin bảo số lãi này còn cao hơn nhiều lần số tiền gửi ngân hàng.

Cây thuốc trong bài thuốc tắm được người dân Dao Đỏ trồng và thu hái bền vững
Doanh nghiệp xã hội cũng có doanh thu cao
Sở dĩ SAPANAPRO được gọi là doanh nghiệp xã hội bởi thành lập vì sự phát triển của cộng đồng người Dao xã Tả Phìn. Doanh nghiệp hoạt động với mục tiêu tạo ra lợi nhuận từ chính những kiến thức về lá thuốc mà người Dao ngàn đời nay sở hữu. Thành lập năm 2006, SAPANAPRO là ý tưởng của chàng thanh niên thôn Sín Chải, Lý Láo Lở muốn gìn giữ bí quyết tạo ra bài thuốc tắm được lưu truyền từ ngàn đời trên mảnh đất Tả Phìn và đưa sản phẩm ra thị trường. Ý tưởng của anh được sự hậu thuẫn của nhiều chuyên gia đầu ngành y. Đến năm 2007, doanh nghiệp chính thức cổ phần hóa với 14 cổ đông, đến nay con số này là 72. Trước đây, chỉ người Dao xã Tả Phìn “góp vốn” thì nay người Dao các xã Hầu Thào, Sử Pán, Thanh Kim thuộc huyện Sa Pa cũng đến để góp cổ phần.

Cổ đông của công ty phần lớn là người Dao Đỏ ở khắp các bản làng SaPa
“Công ty của bản” hoạt động ngày càng hiệu quả với lợi nhuận khá cao. Khi mới thành lập, công ty chỉ đơn giản là phát triển dịch vụ tắm lá thuốc phục vụ khách du lịch, đến nay còn có sản phẩm thuốc đóng chai. Lợi nhuận của công ty bắt đầu ổn định và tăng trưởng từ khi có sản phẩm mới, thị trường tiêu thụ đã khá ổn định tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc Lý Láo Lở “bật mí”, khi mới thành lập doanh thu chỉ đạt 100 triệu đồng/năm, đến năm 2013, doanh thu đã tăng lên 30 lần. Ý tưởng của Lý Láo Lở là tiếp tục mở rộng quy mô doanh nghiệp, xây dựng nhà trưng bày, quầy lễ tân và mở dịch vụ cho khách du lịch tham quan quy trình sản xuất thuốc tắm. Tiếp đến là xây dựng phòng trưng bày các sản phẩm văn hóa người Dao, cùng dịch vụ ăn, nghỉ kiểu homestay. Bài toán khó nhất với Lý Láo Lở và 72 cổ đông là làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động và có lợi nhuận bền vững, bởi cây lá thuốc tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt. Trước hoàn cảnh này, SAPANAPRO đã bảo tồn thành công 6 ha rừng có cây thuốc, trong đó đã trồng bổ sung các loại cây thuốc trên diện tích 2 ha.
Cầm chai thuốc tắm dạng tinh dầu trên tay, Lý Láo Lở, Giám đốc của SAPANAPRO không giấu nổi niềm tự hào. Ý tưởng của chàng trai sinh năm 1982 đã thành công và quan trọng hơn là mục tiêu để dân bản trở thành cổ đông đã thành hiện thực. Còn với người Dao xã Tả Phìn hẳn là vui mừng lắm khi bí quyết gia truyền bao năm “ngủ yên” nay đã đem lại nguồn thu ổn định.