Lý Láo Lở là một chàng thanh niên dân tộc Dao Đỏ nhận thấy tiềm năng quý giá của cây thuốc tắm gia truyền cũng như những nguy cơ mai một của nguồn tài nguyên cây thuốc quý giá tại địa phương. Nhớ lời Bác Hồ dạy “Đâu cần thanh niên có, Đâu khó có thanh niên” cùng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, với mong muốn quảng bá bài thuốc bí truyền của dân tộc và giúp đồng bào ở địa phương vươn lên làm giàu từ nghề thuốc tắm…
Tả Phìn là một xã nghèo thuộc huyện Sapa với đất canh tác ít, khí hậu không thuận lợi cho nông nghiệp. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tả Phìn hầu như không có hoạt động sinh kế mang lại thu nhập đáng kể dẫn đến nghèo đói và thất học. Đồng bào người Dao xã Tả Phìn vốn nổi tiếng với bài thuốc tắm Dao đỏ do tổ tiên để lại và đang sở hữu nguồn tài nguyên cây thuốc dồi dào của núi rừng ôn đới. Nhưng thực tế đau lòng là nguồn tri thức và tài nguyên đó đang bị người miền xuôi khai thác để kinh doanh dịch vụ “Tắm thuốc người Dao đỏ”. Việc khai thác không đi đôi với bảo tồn cây thuốc, đồng bào bị ép giá thu mua rẻ mạt báo hiệu viễn cảnh nguồn nguyên liệu sẽ cạn kiệt dần, tri thức truyền thống của người dân tộc Dao ngày càng mai một, cái nghèo đói sẽ vẫn đeo bám nơi đây.
Là người con sinh ra, lớn lên tại mảnh đất nơi đây chàng thanh niên Lý Láo Lở nhận thấy tiềm năng quý giá của cây thuốc tắm gia truyền cũng như những nguy cơ mai một của nguồn tài nguyên cây thuốc quý giá tại địa phương. Nhớ lời Bác Hồ dạy “Đâu cần thanh niên có, Đâu khó có thanh niên” cùng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, với mong muốn quảng bá bài thuốc bí truyền của dân tộc và giúp đồng bào ở địa phương vươn lên làm giàu từ nghề thuốc tắm, Lý Láo Lở với suy nghĩ không ngừng học tập và rèn luyện, anh đã lặn lội khắp nơi để học thêm kiến thức về đông y và rất may mắn, anh đã được nhiều giáo sư, tiến sĩ nhận đỡ đầu. Trở về quê hương với vốn kiến thức được học, anh thành lập Công ty Cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa (Sapanapro) với 52 cổ đông tham gia đóng góp cổ phần bằng nguyên liệu lá thuốc, Công ty triển khai các hoạt động nhằm: Phát triển nhân rộng mô hình “doanh nghiệp cộng đồng” ở khu vực miền núi phía Bắc với giải pháp thương mại hóa các bài thuốc cổ truyền của đồng bào Dao Đỏ. Các hoạt động chính của Sapanapro triển khai là: Tổ chức dịch vụ tắm lá thuốc tại chỗ cho khách du lịch và nhân dân địa phương; Sản xuất các sản phẩm thuốc tắm bán tại chỗ và phân phối tại các đại lí khác; triển khai các hoạt động để bảo tồn cây thuốc và giữ gìn tri thức về cây thuốc nói chung và cây thuốc tắm nói riêng, bao gồm tập huấn đào tạo cho các thành viên công ty và xây dựng chiến lược quy hoạch vùng nguyên liệu. Các dòng sản phẩm Sapanapro được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ và phát triển từ sự hỗ trợ và kiểm nghiệm bởi các chuyên gia của trường Đại học Dược Hà Nội và Đại học Nông nghiệp 1 giúp đỡ.
Để có nguồn nguyên liệu ổn định cho Công ty hoạt động, Lý Láo Lở đã vận động nhân dân trong xã trồng hơn 14 ha cây thuốc quý xen lẫn với rừng phòng hộ để bảo tồn nguồn gien và bảo đảm cung cấp nguyên liệu sản xuất bền vững cho công ty đồng thời chăm sóc và bảo vệ 700 ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Với những nỗ lực của chàng thanh niên trẻ Lý Láo Lở và Hội đồng quản trị, hoạt động của Sapanapro đang mang lại hiệu quả cao. Năm 2012, 2013 với tổng doanh thu Sapanapro đạt được khoảng 3 tỷ đồng/năm, mang về lợi nhuận cho công ty từ 700 – 800 triệu đồng/năm, ngoài ra còn tác động mang lại nguồn lợi trực tiếp cho khoảng 300 người Dao ở địa phương với mức thu nhập khoảng 40 triệu đồng/người/năm. Các hộ cổ đông cũng có thu nhập thêm từ việc cung cấp nguyên liệu bình quân từ 7 đến 12 triệu đồng/hộ/năm. Khoảng 500 người khác được hưởng lợi gián tiếp từ Sapanapro thông qua việc cung ứng nguyên liệu, tham gia dịch vụ phân phối sản phẩm. Đến nay, công ty đã nhân rộng mô hình vệ tinh tại nhiều địa phương khác nhau.
Hiện nay các sản phẩm của Sapanapro đã bước đầu chiếm lĩnh thị trường trong nước và được người tiêu dùng đón nhận, sản phẩm chăm sóc sức khỏe này đặc biệt được giới nữ yêu thích. Cùng với sự phát triển của Sapanapro, liên tục từ các năm 2008 đến nay, Lý Láo Lở cũng vinh dự được nhận nhiều giải thưởng của TƯ và của tỉnh (xem thêm: Bằng khen, chứng nhận SAPANAPRO).
Ngay sau khi nắm bắt được thông tin về các chính sách của Nhà nước, trong đó có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN) của Nhà nước và của địa phương. Người thanh niên dân tộc Dao này đã liên hệ với Trung tâm Khuyến công Lào Cai để được tư vấn đầu tư và mở rộng sản xuất kết hợp với đề nghị được thụ hưởng chính sách khuyến công. Năm 2014, nhận thấy sự cần thiết phải duy trì, phát triển và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống bản địa trong lĩnh vực sản xuất TTCN. Theo đó, nhằm khuyến khích, nhân rộng mô hình sản xuất của Sapanapro, Trung tâm khuyến công, Tư vấn phát triển công nghiệp và Tiết kiệm năng lượng tỉnh Lào Cai đã hướng dẫn, tư vấn cho Công ty hoàn thiện hồ sơ thủ tục đăng ký thụ hưởng hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công địa phương là 100 triệu đồng để đầu tư thêm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất. Với mong muốn trong tương lai không xa, Sapanapro sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và dần chiếm lĩnh được thị trường trong nước và quốc tế, mô hình sản xuất này sẽ được nhân rộng, vừa duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, vừa tạo nên đặc thù kinh tế riêng của tỉnh Lào Cai.