Chuyển tới nội dung

OTOP – Sản Phẩm Của Tri Thức Truyền Thống

Saigon Handicraft Bazaar
Rate this post

Các dòng sản phẩm của SAPANAPRO đều xuất phát tri thức truyền thống người dân tộc Dao, với đầy đủ giá trị và hiệu quả nguyên vẹn cha ông để lại, là sản phẩm OTOP thành công.

Ý tưởng ‘mỗi làng một sản phẩm’ (One Village One Product Movement) viết tắt là OVOP được Morihiko Hiramatsu khởi xướng và bắt đầu triển khai ở quận Oita (Nhật Bản) từ năm 1979. Sau đó, một số nước ở Châu Á đã áp dụng mô hình này và được đổi thành OTOP (One Town One Product, hoặc One Tambon One Product), có nghĩa là mỗi thị trấn hay mỗi địa phương một sản phẩm.

OTOP-Mỗi địa phương một sản phẩm

OTOP-Mỗi địa phương một sản phẩm (ảnh minh họa)

Những sản phẩm này dựa vào nguồn nguyên liệu ở địa phương, cộng với kỹ năng, kỹ xảo được truyền từ đời này sang đời khác của người dân địa phương để làm ra các loại sản phẩm thủ công đặc trưng của từng địa phương như đồ mỹ nghệ, hàng may mặc, đồ gốm, đồ gia dụng, thực phẩm, vv. phục vụ người tiêu dùng, khách du lịch, kể cả xuất khẩu. Tùy nơi, hàng hóa mang nhãn hiệu OTOP được chính phủ giảm thuế, hoặc miễn thuế.

Trong chương trình một tour du lịch hiện đại, việc đưa du khách đến mua sắm ở những cửa hàng OTOP  là việc làm cần thiết. Sự phong phú và hấp dẫn của các sản phẩm này đã làm cho du khách không còn thời gian để cân nhắc hầu bao của mình.

Thái Lan là nước phát triển OTOP rất thành công. Với chính sách khuyến khích và hỗ trợ của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, hiện nay ở Thái Lan có khoảng 36.000 mô hình OTOP, mỗi mô hình tập hợp từ 30 đến 3.000 thành viên tham gia. Sự phát triển OTOP đã giúp nghề thủ công truyền thống của Thái Lan được duy trì. Nó đã giúp cho người dân Thái giải quyết được công ăn việc làm, làm ra nhiều sản phẩm đặc sắc của từng địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân tham gia và điều quan trọng là giữ được giá trị tri thức truyền thống trong văn hóa lâu đời của họ. Ở Trung Quốc mô hình OTOP cũng đã bắt đầu từ năm 1989. Riêng ở Đài Loan đã có khoảng 100 trung tâm OTOP, làm ra trên 1.000 loại sản phẩm.

Theo nghĩa OTOP là làng nghề thủ công truyền thống thì ở Việt Nam cũng đã có gần 2.000 làng nghề, tập trung chủ yếu ở vùng châu thổ sông Hồng, như Hà Nội, Hà Tây (cũ), Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định …, thuộc các nhóm nghề chính như: sơn mài, gốm sứ, thêu ren, mây tre đan, cói, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá… Cùng với sự phát triển của đất nước, rất nhiều làng nghề phát triển mạnh, đã có những sản phẩm, những thương hiệu nổi tiếng và có sức hấp dẫn như: làng Gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội), làng Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), làng Đá Non Nước (Đà Nẵng), làng Lụa Vạn Phúc (Q. Hà Đông, Hà Nội), làng Gốm Phù Lãng (Bắc Ninh). Đặc biệt, làng Gốm Chăm Bầu Trúc (Ninh Phước, Ninh Thuận), được coi là làng nghề cổ nhất ở Đông Nam Á.

Ở một khía cạnh tích cực hơn, mô hình OTOP cần khuyến khích người dân sử dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại chỗ, dựa vào tri trức truyền thống bản địa để làm ra sản phẩm đặc trưng của địa phương mình. Ngoài ý nghĩa kinh tế, đây là cách bảo tồn, phát triển và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên ở địa phương, và giữ gìn tri thức bản địa một cách hiệu quả.

Với ý tưởng này, trong thời gian từ tháng 7/2005 đến 12/2007, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP) là thành viên của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã triển khai dự án “Phát triển thị trường một số loại nông lâm sản bản địa ở các cộng đồng dân tộc thuộc khu vực miền núi phía Bắc”. Dự án có hai phần. Đối tượng của phần một là cây nông nghiệp. Phần hai dựa vào nguồn Cây thuốc dân tộc và Tri thức bản địa của người Dao Đỏ ở xã Tả Phìn, Sa Pa (Lào Cai). Người dân ở đây vốn có bài thuốc tắm truyền thống vẫn thường dùng trong gia đình. Sau khi thấy được tiềm năng phát triển và khả năng ứng dụng của bài thuốc này, được cộng đồng và chính quyền địa phương đồng ý, các nhà khoa học (Bộ môn Thực vật, trường ĐH Dược, Hà Nội), đã nghiên cứu chứng minh tác dụng của từng cây thuốc, tìm dạng bào chế phù hợp, nghiên cứu thị trường, giúp người dân tạo ra một sản phẩm mới mang thương hiệu địa phương, gọi là  “DAO’Spa”. Về mặt tổ chức, cũng với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, người Dao Đỏ đã thành lập và điều hành Công ty cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa, gọi là “Sapa – napro”

Các sản phẩm DAO’SPA của Công ty đã đăng ký thương hiệu và đã có mặt trên thị trường trong cả nước, góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Các sản phẩm của công ty như “Dao’Spa mama” dành cho sản phụ nhanh chóng hồi phục sức khỏe ngay từ tuần đầu tiên sau khi sinh; “Nước ngâm chân Dao’Spa” làm thư giãn chân, giảm đau nhức, chứng lạnh chân và hôi chân; “Dao’Spa relax” mang lại sự sảng khoái và thư giãn cơ thể sau một ngày lao động mệt mỏi…

Công thức giúp giảm đau nhức chân và làm ấm bàn chân

“Sản phẩm nước ngâm chân Salus Relaxo – Công thức giúp giảm đau nhức chân và làm ấm bàn chân” là một trong những sản phẩm OTOP xuất sắc

Nhìn chung, tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Mỗi vùng, mỗi miền thường có những loại cây cỏ riêng và kinh nghiệm dân gian, gia truyền trong sử dụng những cây cỏ đó mang tính địa phương. Đây là một thế mạnh của Việt Nam. Dựa trên cơ sở đó, nếu có sự hướng dẫn, hỗ trợ của các nhà khoa học, biết tổ chức và kết hợp các điều kiện tự nhiên, xã hội và có được sự hưởng ứng, tham gia của cộng đồng, thì sẽ tạo ra các sản phẩm đặc trưng riêng cho từng địa phương, sản phẩm OTOP, góp phần tăng thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Comments

comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Show Buttons
Hide Buttons